Ngôi đình nằm ngay cạnh đường lên cầu Đình bắc ngang con rạch nhỏ đổ ra kinh Lách nên từ xưa yếu tố phong thổ như thế chắc rất thuận tiện cho người dân đến đình bằng đường sông. Nghe danh đình đã lâu, tôi cho rằng ngôi đình cũ này chắc phải gần hai trăm năm tuổi? Tuy nhiên ngày nay nhìn tổng thể ngôi đình, tôi hơi buồn khi nghĩ rằng những nhà dân chung quanh và con đường tráng nhựa sát cạnh đình, đủ rộng cho xe du lịch qua cầu, đã chiếm dụng một phần đất của đình khiến nó không có tường rào và mất đi cái vẻ “bề thế” thường thấy của đình làng nổi tiếng xưa. Tôi cũng không thấy một cây to cổ thụ nào như cây Sộp của đình Tân Phú, như cây Đa của đình Tân Thới (cùng xã Sơn Định xưa) hay như những gốc cổ thụ to lớn của nhiều đình làng khác. Dầu sao tôi cho rằng ngày xưa theo phong tục có thể đình cũng có một cây to nào đó để tạo bóng mát theo quan niệm “huyền vũ” của phong thủy… nhưng theo thời gian có thể nó đã chết khô nên bị đốn bỏ hay bị trôi theo dòng nước lũ RỒI.
Nhìn chung, ngôi đình đã được xây dựng lại gần đây nên ít còn dáng vẻ của một ngôi đình cổ. Từ ngoài rạch nhìn vào, tôi thấy Tấm Bình Phong được xây đơn giản bằng gạch và xi-măng mà ngay giữa là một cái miếu nhỏ, bên trong có vẽ một con rồng xanh và đặt hai tượng con hổ nhỏ. Thông thường ở các đình khác tại chỗ này không có miếu thờ. Thay vào đó là hình vẽ ngay trên mặt trước tấm bình phong, vẽ rồng, vẽ cọp, hay rồng vờn cọp, tượng trưng lòng mong muốn của người dân có sự hòa hợp các sức mạnh thiên nhiên. Mặt sau bình phong này là hương án thờ có ghi “Thánh Đế Thần Nông” bằng chữ Việt. Ở các đình khác, nơi này lại không phải hương án mà là cái miếu nhỏ thờ Thần Nông, tức ông thần Lúa, cũng có thể là ông vua Thần Nông của huyền sử Tàu! Ông thần này tuy có “vai vế” lớn nhưng không hiểu sao lại luôn luôn nằm ngoài sân, không chịu vào chính tẩm với thần Thành Hoàng?!
Tiếp giáp với tấm bình phong là Đàn Xã Tắc (rất may là tấm bình phong và đàn xã tắc còn đó, không như cái đàn xã tắc của đình Tân Phú đã bị nước sông Tiền cuốn trôi vì đất lở đã lâu mà chưa được xây dựng lại). Đàn này cao độ ba tấc, cũng được xây đơn giản bằng gạch và tráng xi-măng (nguyên thủy cái đàn phải được đấp bằng đất thơm). Ý nghĩa của cái đàn trước mặt đình cao quí lắm (Xã là thần Đất, Tắc là thần Lúa nếp, cũng chính là Thần Nông) thể hiện tín ngưỡng dân gian vùng nông nghiệp, đồng thời cũng mang ý niệm về đất nước, về “sơn hà xã tắc”… Tuy nhiên, người đời nay có thể không hiểu ý nghĩa này nên “rất tự nhiên” bày biện trên mặt đàn một bộ bàn ghế nhỏ đúc bằng xi-măng; chắc là để buổi chiều các ông ngồi uống trà hoặc ngồi nhậu trên cái đàn linh này (mà chẳng nể oai ông thần)?!
Kế đó và được bố trí hai bên đàn là hai cái miếu nhỏ mà vách trong của một miếu ghi “Ngũ Hành” một miếu ghi “Sơn Quân” bằng chữ Hán. Chính cái miếu Sơn Quân này là miếu thờ ông Cọp (không cần phải xây thêm cái miếu trước tấm bình phong). Ở nhiều đình khác, ngoài sân có bố trí những miếu thờ các vị thần phối tự khác như Thổ Công, Táo Công, Chúa Xứ, Chúa Tiên, Chúa Ngọc, Cửu Thiên Huyền Nữ, Thiên Y A Na, Nam Hải Tướng Quân, Mộc Trụ, Lỗ Ban… Số miếu thờ nhiều ít có khác nhau tùy địa phương, nhưng không hiểu tại sao trong sân đình Bình Sơn này chỉ có hai miếu?
Qua khỏi hai miếu là phần sân đình trống trải để dân làng quây quần vào cúng đình, nhưng hiện giờ người dân sẵn tiện chỗ rộng nên dùng để phơi củi! Rồi đến kiến trúc chính của đình mà ngay trên bức vách lớn phía trước có vẽ hình Tứ Linh: long, lân, qui, phụng… cũng giống như các đình khác.
Toàn bộ ngôi đình đã được xây dựng lại bằng gạch, xi-măng, bê-tông và lợp ngói phẳng kiểu ngói Phú Hữu. Theo bảng Lưu Niệm, tôi thấy có ghi đình được xây dựng (đúng là xây dựng lại gần hết, chỉ giữ rất ít cái cũ) từ năm 2014 đến 2018. Các cột (long trụ) và bộ giàn trò được đúc lại bằng bê-tông, sơn giả gỗ. Tôi thấy tiếc khi đọc danh sách đóng tiền cúng dường xây dựng đình có mục “Tiền thanh lý bộ cột đình cũ: 30 triệu đồng”! Trên nóc đình còn tranh tượng bằng gốm đúc sẵn hình Lưỡng long tranh châu (có lẽ là đồ cũ còn giữ lại được). Phần Võ Ca nhờ giữ lại kiến trúc cơ bản kiểu nhà vuông của đình, tuy nhỏ nhưng nhiều nhà vuông được xây dựng liền kề theo kiểu trùng thềm điệp ốc nên võ ca trở thành khá rộng. Lại có giàn kèo (ngày xưa chắc kiểu vỏ đậu, đùi ếch) mở ra các bên mà không xây vách hai bên nên võ ca đã trông rộng còn được thoáng. Chỉ tiếc rằng phần mái hiên quanh võ ca được lợp bằng tôle, trông có vẻ không phù hợp!
Trước cái sân khấu (dùng để hành lễ hay hát bộ) của võ ca tôi đọc được hai câu đối viết trên cột bằng chữ Việt: “Quốc thái dân an, phong điều vũ thuận” và “Thần dân an lạc, thiên hạ thái bình”. Ý nghĩa của hai câu này nói lên ước vọng muốn sống an bình của người dân từ thưở lưu dân vào miền Nam khai hoang, lập ấp, lập làng, xây đình rồi viết sớ xin triều đình phong sắc. Tuy nhiên, thông thường ở các đình khác, những chữ này được viết thành hai cặp câu đối chữ Việt hoặc chữ Hán: một là “Phong điều vũ thuận” đối với “Quốc thái dân an”; hai là “Thần dân an lạc” đối với “Thiên hạ thái bình” .
Các cánh cửa vào chính điện đều đóng, có khóa ngoài nên tôi không được vào bên trong để xem bàn thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh với cái tráp đựng sắc phong thần. Tôi nghĩ các đình Bình Sơn, Tân Phú, Tân Thới… trong xã Sơn Định có chung một sắc phong, và tờ sắc được giữ trong ngôi đình lớn là đình Bình Sơn (ở đình Tân Phú tôi có thấy tấm bảng ghi đình được xây năm 1852 theo sắc phong của vua Tự Đức, nhưng tôi không nghĩ tờ sắc được giữ trong ngôi đình này). Trong chính điện có thể có bàn thờ một hay vài vị thần trung hay thượng đẳng khác (mặc dầu Thành Hoàng chỉ là thần hạ đẳng) và các hương án thờ các thần phối tự như Tiền Hiền, Hậu Hiền, Tiên Sư, Tiền Vãng… Tôi cũng muốn được xem cách trang trí, bày biện đồ tế tự, lỗ bộ và hoành phi, trướng, bao lam hay câu đối khác… nhưng đành phải chờ dịp sau vậy! Tôi mong trải qua thời gian dài của tuổi đình, những cuộc chiến tranh, và vài lần trùng tu… ngôi đình tuy đã mất vẻ cổ kính nhưng không bị mất mát nhiều các cổ vật (chỉ mong vậy thôi nhưng tôi không tin lắm, nhất là khi đã biết “số phận” các cột đình cũ như thế)?!
Trên vách một bên hông chính điện tôi đọc được mười lệ cúng hàng năm. Trong đó quan trọng vào tháng Ba (ÂL) là lễ Kỳ Yên cùng với Giỗ Tổ Hùng Vương; vào tháng Sáu cúng Hạ Điền và tháng Mười Một cúng Thượng Điền. Tôi cũng có đọc một tờ liệt kê chi tiết các nghi thức của lễ Kỳ Yên, trong đó có lễ “Khán Sắc” và cúng “Tiền Vãng”. Tôi mong ban Phụng Tự duy trì lâu dài các buổi lễ cúng đình hàng năm này. Tôi cũng nghĩ rằng khi ban Phụng Tự có tiến hành lễ “khán sắc” là vì họ hãnh diện còn giữ tờ sắc phong của vua ban (có thể vào năm Tự Đức ngũ niên 1852, khi nhà vua vội vã ban sắc phong cho rất nhiều đình miền Nam để chứng tỏ chủ quyền của mình trong phạm vi lãnh thổ trước nguy cơ xâm lăng của người Pháp). Điều này cũng sẽ chứng tỏ rằng đình được xây dựng trước năm 1852 (do người dân xây dựng xong ngôi đình mới làm sớ dâng lên triều đình xin vua ban sắc phong). Cũng chính vì có lễ “khán sắc” nên tôi tin tờ sắc được giữ tại ngôi đình này!
Còn một kiến trúc nữa ở trong phạm vi sân đình. Đó là một cái miếu lớn, lớn hơn hẵn các miếu khác trong sân đình và có vẻ cũng mới xây dựng về sau này. Tấm biển ở giữa ghi ba chữ Hán “Cửu Thiên Miếu”. Bước vào trong tôi thấy ở giữa có tượng bà Cửu Thiên Huyền Nữ. Một bên là năm tượng với màu áo khác nhau của các bà Ngũ Hành (mặc dầu ngoài sân đã có miếu nhỏ thờ Ngũ Hành riêng). Một bên là tượng thờ bà Địa Mẫu. Thường trong các đình, những bà Cửu Thiên hay Ngũ Hành, Địa Mẫu đều chỉ là thần phối tự, được thờ trong các miếu nhỏ đặt trong sân, không có “cạnh tranh” về “bề thế” với ông thần Thành Hoàng đặt trong chính tẩm. Ở đây hình tượng các bà được thờ chung trong một ngôi miếu lớn cạnh đình cho thấy hoặc là tục Thờ Mẫu đang được khuếch trương (giống các tỉnh miền Bắc gần đây đang thực hiện), hoặc do ảnh hưởng của người Hoa có thể sinh sống nhiều ở vùng này trước kia, hoặc do người dân tin tưởng việc cúng kiếng các bà sẽ giúp họ được “mua may bán đắt” hay đạt một sở nguyện nào đó…!
Ngày nay ta có thể cho rằng những niềm tin vào các miếu thờ như vậy là mê tín! Nhưng phải hiểu hoàn cảnh lịch sử và trình độ dân trí vài trăm năm trước của người lưu dân vào Nam khai hoang vỡ đất một vùng mà “muỗi vắt nhiều như cỏ; chướng khí mù hơi sương (Sơn Nam)…” thì mới thấy thông cảm và “thương” ông cha ta ngày trước, những con người tuy thừa dũng cảm đi khai phá vùng đất mới nhưng trong lòng lúc nào cũng thấy yếu đuối trước sức mạnh thiên nhiên!
Tôi nghĩ dư luận cần phân biệt rõ giữa một bên là những sinh hoạt mang tính mê tín trong hoạt động của đình (kể cả trong một số cơ sở tôn giáo lớn hiện nay) như một “tàn tích” lỗi thời, phản khoa học cần được loại bỏ, khác với một bên là những ý nghĩa mang tính lịch sử từ thời quân chủ của cái đình và những niềm tin dân gian rất nhân văn… mà ta nên gìn giữ như một truyền thống văn hóa cũ cần được bảo vệ!
Một điểm cũng cần lưu ý là giống như trong kiến trúc của nhiều đình khác, tôi không thấy nhà vệ sinh! Không biết vào những ngày cúng đình, đông người đến dự và xem hát bộ… rồi đến khi cần và “quýnh” lên… không biết người ta (từ ông chánh tế đến cô đào hát bộ đến người dân dự cúng đình…) chạy đi đâu để giải quyết?!
Đứng trong võ ca rộng và vắng vẻ, tôi chợt nhận thấy ông sử gia Dương Trung Quốc có lý khi đề nghị xây dựng nhà văn hóa địa phương ngay tại đình làng. Hành động này vừa mang ý nghĩa tôn trọng văn hóa truyền thống, vừa ít tốn kém hơn khi phải xây một nhà văn hóa mới, vừa khuyến khích và quyến rũ người dân cũng như khách du lịch trong – ngoài nước đến xem các loại hình sinh hoạt văn hóa địa phương ngay tại những ngôi đình xưa…!
Được biết tỉnh Bến Tre đang có chủ trương phát triển mạnh về du lịch. Tuy biết rằng những loại hình du lịch sông nước, du lịch ẩm thực, đàn ca tài tử, home-stay… đều có chuẩn bị chu đáo, nhưng tôi nghĩ rằng những di tích văn hóa như đình cũ, chùa xưa, mộ cổ … (huyện Chợ Lách có nhiều) cần được trùng tu để lôi kéo người nước ngoài (nhất là người có trình độ) đến tìm hiểu về những giá trị văn hóa cổ truyền của chúng ta.
Tôi cũng nghĩ khi những người hảo tâm cúng tiền xây dựng đình (thật sự có người đóng góp tới bốn trăm triệu đồng năm 2014 cho đình Bình Sơn) họ sẽ muốn cái đình được trùng tu, càng giữ nhiều cái cũ càng tốt, hơn là đập phá cái cũ để xây cái mới. Cũng nên nhớ, khi trùng tu đình (hay bất cứ di tích cổ nào) cần mời những chuyên viên tư vấn về kiến trúc và văn hóa cổ.
Vậy mà tìm khắp nơi trong sân và đình, tôi không thấy ghi năm xây dựng cái đình cũ (có thể vào thời vua Tự Đức hoặc trước đó) mà chỉ thấy tấm bảng rất đẹp ghi rất rõ đình được xây dựng năm 2014. Thế thì còn gì là một ngôi đình cổ?!
Long Xuyên, tháng 4/ 2023
KHƯƠNG TRONG SỬU