Phú Phụng là xã địa đầu của tỉnh Bến Tre, giáp ranh với Vĩnh Long. Chợ Phú Phụng có địa thế rất tốt nằm trên quốc lộ 57, lại đứng ở ngã ba sông, thuận tiện việc giao thương với chợ Cái Bè (Tiền Giang) và chợ Vĩnh Long. Nếu biết khai thác tốt sẽ trở thành chợ khu vực cho các xã vùng trên của huyện Chợ Lách.
Từ chợ Cầu Dừa đến chợ Phú Phụng
Trước năm 1940 những con đường dẫn vào chợ đều phải qua các cây cầu dừa nên dân làng Phú Phụng gọi chợ này là chợ Cầu Dừa. Đến năm 1945, khi ông Tổng Dõng huy động dân công cất chợ, có tham vọng lưu danh hậu thế liền để tên mình trên mặt tiền chợ, gọi là chợ Tổng Dõng. Nhưng dân chúng vẫn không dùng tên này, vẫn gọi là chợ Cầu Dừa cho đến năm 1960 chợ được xây dựng khang trang, đổi tên là chợ Phú Phụng. So với các chợ xã thời bấy giờ, chợ Phú Phụng là trung tâm trao đổi hàng hóa, trái cây của vùng tây bắc huyện Chợ Lách. Tiếp giáp các xã cù lao Bình Hòa Phước, Đồng Phú, cách sông Cổ Chiên là tới xã Mỹ An (huyện Long Hồ) – xứ sở của gạch ngói Vĩnh Long, chợ Phú Phụng có điều kiện để dân chúng các xã này đến đây mua sắm vì thời chiến tranh chợ các xã trên không có đường bộ đi Vĩnh Long, còn đường thủy thì xa hơn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà Phú Phụng sớm vượt khỏi tầm vóc chợ xã vì chỉ cách chợ huyện Chợ Lách và chợ tỉnh Vĩnh Long với khoảng cách đều nhau: 8 cây số.
Ông Ba Mầu, một lão thương sống ở chợ gần nửa thế kỷ cho biết chợ chỉ mới sung khoảng 10 năm nay khi xã này được điện khí hóa. Trước đây, chợ chỉ có dăm ba tiệm tạp hóa, một tiệm bán vải, một tiệm thuốc bắc, còn lại phần đông là những người bán thực phẩm tươi sống phục vụ cho bà con địa phương vào buổi sáng.
Chợ sung nhờ địa lợi
Nếu nhìn lại so sánh với cách nay 10 năm thì chợ Phú Phụng có bước tiến xa, từ chợ nhỏ bán một buổi đến nay chợ hoạt động đến 9 giờ đêm. Từ vài chục quầy sạp tạp hóa, nay đã tăng thêm 40 sạp nữa. Sạp nào cũng khang trang, dù xây dựng bằng nhà tiền chế. Phải nói rằng những người kinh doanh sạp chợ tại đây rất năng động, huy động của mỗi hộ tiểu thương chưa đến 4 – 5 triệu đồng để cho thuê 1 kiốt rộng 12 mét vuông với thời hạn 4 năm. Ban đầu nhiều người nhận được thông tin nhưng không đăng ký thuê, sau thấy kiốt rộng rãi giá rẻ, có thể kinh doanh được nên đã không ngần ngại sang lại với giá 8 triệu đồng. Sau đó phải nâng cấp nền, gắn thêm cửa sắt, làm trần tổng cộng chi phí chừng 12 triệu đồng, được một sạp hoàn chỉnh không khác gì sạp ở chợ Tân Định (Q1, TP.HCM)
Ngoài trừ các mặt hàng gia dụng thông thường như hàng may mặc, mỹ phẩm, nhôm nhựa, điện tử, hai bên phố chợ còn phòng mạch của bác sĩ, nha sĩ, phòng vi tính –internet, điểm bán thức ăn gia súc, thuốc thú y do phong trào chăn nuôi trong xã đang lên cao.
Thời của những nhà kinh doanh trẻ
Chợ nhỏ có lịch sử khá lâu đời, người buôn bán lâu năm ở chợ cũng không ít, nhưng ngày nay chủ hộ kinh doanh có “máu mặt” tại Phú Phụng phần nhiều là người trẻ. Một thương gia lớn tuổi thán phục: “Tụi nhỏ bây giờ làm ăn sao mau lên quá, làm ăn chưa đầy chục năm sự sản có cả tỉ !” Những người ở địa phương cho biết tiệm tạp hóa ba gian của anh Năm Hà mua gì cũng có, từ hàng tiêu dùng đến vàng bạc, sắt thép, xi măng xây dựng. Một siêu thị nhỏ trong ngôi chợ xã. Nếu về khuya chợ đóng cửa, bà con có nhu cầu đột xuất về hàng tiêu dùng, có thể gõ cửa mua hàng, chủ tiệm sẵn sàng đáp ứng ngay. Nhận định về tiềm lực của “doanh nghiệp vườn” này, có người cho rằng anh đang được các công ty lớn yểm trợ, hàng bán sát giá người tiêu dùng tin cậy. Mặt khác, những năm trước đây, năm nào vườn nhãn da bò của anh cũng trúng mùa nên có tiền làm nguồn vốn lưu động của anh càng tăng hơn. Nhân vật thứ hai là anh thợ bạc trẻ tên Đồng, mới hành nghề khoảng 7 năm nay nhưng phần lớn thị phần kim hoàn tại chợ được anh nắm giữ, dù trong chợ hiện nay có đến 7 tiệm vàng. Nữ trang của anh bán ra đều có đóng dấu hiệu, khi mua lại sản phẩm của mình, anh không cần thử lại mà giá mua cũng không thấp. Ngoài việc mua bán dễ dàng, anh Đồng lúc nào cũng có mặt để tư vấn cho khách. Trong chợ nhiều người trẻ mới cất nhà lầu đã là chuyện lạ, nhưng người xã khác đến chợ Phú Phụng kinh doanh cũng khá làm người ta càng ngạc nhiên hơn, như hai chị bán thịt. Một chị nhà ở xã Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ), một chị ở xã Vĩnh Bình (huyện Chợ Lách), người nào bán buôn cũng xây nhà lầu do cần kiệm mà nên.
Ngày 7/12/2003
Lương Minh