Chợ Lách Xưa Nay

TẢN MẠN CHUYỆN ĐỊA DANH XƯA Ở XÃ VĨNH BÌNH CHỢ LÁCH

Ngày đăng: 08/04/2024, 6:58 chiều, ý kiến phản hồi (0)

Vài trăm năm trước, miền Tây là một vùng rừng rậm hoang vắng, thưa thớt dân cư. Rãi rác xa xa có một vài xóm làng của dân địa phương, chủ yếu là người Khmer. Nhiều chỗ nhiều nơi chưa có tên gọi nên để chỉ một địa điểm nào đó, người ta thường đặt cho một cái tên dễ nhớ, dễ phân biệt. Một số tên có nguồn gốc từ cách gọi của người bản địa. Cái Mơn, là con sông lớn có nhiều ong. Khmum là con ong trong tiếng Khmer, người Việt phát âm riết thành Mơn, theo Sơn Nam. Một số tên được gọi theo loài cây cối mọc nhiều ở đó. Như Chợ Lách, có người nói là cái chợ ở nơi có nhiều cây lách. Họ dựa vào chữ lách trong lau lách. (Nhưng điều nầy không thuyết phục lắm vì chưa có ai thấy cây lách hết. Theo tôi lau lách là từ láy không phải từ ghép.)

Còn Cái Nhum (Long Thới) là con sông có nhiều cây nhum. Trang thucvatmiennam nói cây nhum là một loài cây họ cau, nhảy con ở gốc, mọc thành từng bụi như đủng đỉnh nhưng có nhiều gai. Tôi đồ là cây chà là. Một số ví dụ khác như Cái Ớt, Cái Mít ở Sơn Định, Rạch Chanh ở Hoà Nghĩa, Rạch Vông ở Phú Phụng… Đó là chuyện đường sông, còn trên đường bộ thì sao? Tôi nghĩ không phải đợi đến năm 1832, năm Minh Mạng thứ 13 thành lập lục tỉnh Nam kỳ mà ngay từ năm Mậu Dần 1698 khi chúa Nguyễn Phước Châu cho lập phủ Gia Định thì chuyện giao thông phục vụ cho việc quản lý nhà nước đã được quan tâm. Đến năm 1802, Gia Long nguyên niên đổi phủ Gia Định thành (Tổng) Trấn Gia Định có 5 trấn, hệ thống đường bộ, đường cái quan, đường thiên lý cơ bản hoàn thành tỏa đi khắp nước. Đường thiên lý chủ yếu dành cho quan binh đi lại. Họ dùng ngựa trạm làm phương tiện giao thông. Quan sai cứ đến một trạm mới thì đổi ngựa, lấy ngựa khỏe đi tiếp. Trạm có trách nhiệm chăm sóc cho ngựa luôn sẵn sàng phục vụ công việc. Còn dân địa phương đi bộ những đoạn đường ngắn. Đi xa dùng xuồng ghe. Đến những năm đầu thế kỷ 20, xóm làng đã đông đúc, chợ búa mở ra nhiều, xe ngựa được dùng để chở hành khách và hàng hóa. Tôi nhớ đến tận những năm 1967 – 1968, vẫn còn xe ngựa chạy đường Chợ Lách – Hoà Nghĩa, Long Thới.

Ở Bến Tre, một nhánh đường thiên lý đi từ trung tâm tỉnh tới Mỏ Cày, nay là quốc lộ 60. Nơi đây nó gặp đường dẫn từ Thạnh Phú lên Chợ Lách, Vĩnh Long, quốc lộ 57, chính là con đường xương sống của cù lao Minh. Từ con đường xương sống nầy, người địa phương đắp những con lộ rẽ vào xóm ấp, ra tận bờ sông bao quanh cù lao. Những con lộ nhỏ nầy ở Vĩnh Bình được đặt tên theo nhiều cách: – nó dẫn vào nhà ai hay do ai đó đào đắp như:

  • Lộ bờ dừa , xã Vĩnh Bình
  • Lộ Bà Cả, nằm bên trái đi từ Lách lên, trên chợ một chút, dẫn vào nhà bà Cả Năm, thân mẫu các ông Tư Nhung, Năm Dịu.
  • lộ Thầy Ba Ngạn, dẫn vào nhà thầy Ba Ngạn khi ông về làm hiệu trưởng trường Trung học Chợ Lách. – có khi gọi theo thời gian như

– lộ Mới, nối từ đường 57, chỗ nhà thầy Khỏe qua ấp Hoà Thuận, đụng đường cặp bờ sông Bổn Sồ. Gọi lộ Mới vì mới mở sau nầy (nhưng năm 1960 đã có rồi.)

– có khi gọi theo chức năng như lộ Hội (thời Ngô Đình Diệm là nơi hội họp dân chúng) cũng nằm bên trái lộ 57, khúc Nhà thờ Vĩnh Bình bây giờ,

– đặc biệt thường gọi theo tên loài cây cối được trồng hay mọc nhiều ở đó, như: • lộ Cây Gáo, bên phải, trên lộ Mới, đi thẳng ra sông Tiền, về Thới Lộc • lộ Bờ Dừa. Ở Bến Tre có nhiều lộ Bờ Dừa. Một là do xứ dừa, đâu đâu cũng gặp dừa. Hai là do khi làm con đường mới, người ta thường đào một con mương dài cặp lộ, lấy đất đắp cho mặt đường cao lên. Sợ lâu ngày mưa gió làm sạt lở, người dân trồng một hàng dừa theo mé. Trồng dừa bên đường có nhiều lợi ích, chống lở đất đồng thời khi cây dừa lớn lên chỉ có tàng bên trên che mát, bên dưới không có cành nhánh, không tốn công mé dọn. Lộ Bờ Dừa ở Vĩnh Bình ở bên trái lộ 57, dưới chợ. Ban đầu còn được kêu là lộ Ngang, nối lộ 57 với đường cặp bờ sông Bổn Sồ. Khúc đầu lộ có trồng một bờ dừa, dài khoảng 100m đến phần đất của ông Tư Hào Điển là hết. Khi con rạch Thông Lưu còn lưu thông thì lộ Bờ Dừa có cầu qua rạch bằng cây, sau được đổ bê tông. Mải đến những năm 80, lộ nầy vẫn còn là lộ đất. Vào mùa mưa, đường trũng ở giữa nước không thoát được, người dân đi nhiều thành con lộ sình. Thiệt là một thử thách cho các cháu từ Bổn Sồ, Hoà Thuận đi học trường Vĩnh Bình. Giống như đi bắt cá.

Ở Vĩnh Bình còn một chỗ mà bây giờ nhắc tới chắc ít người biết. Đó là Tàu Cháy. Nó nằm ngay cua quẹo có nhà của ông Dương Bá Thế. Theo mấy người lớn tuổi thuật lại, những năm 1945, 1946 sau khi nắm chánh quyền, lực lượng du kích xã có đón bắt được một chiếc tàu sắt chạy bằng máy hơi nước. Họ hì hụi kéo chiếc tàu theo ngã Rạch Vông vô tới cầu Đập, cầu Vĩnh Bình bây giờ, rồi kéo xuống đây thì không đi được nữa, nên phải đốt cháy. Lúc đó lòng rạch còn sâu, chiếc tàu chìm xuống đáy. Lâu ngày bùn đất bồi lấp, chỉ còn ló cái ống khói. Những năm 1980, người đi đường còn thấy cái ống khói nầy. … Tôi người xa quê giờ đã lão, chỗ nhớ chỗ quên. Có thể còn nhiều địa danh khác đáng nhớ của Vĩnh Bình mà tôi không biết. Mong các bạn bỏ qua. Ngày nắng hạn nhớ quê viết một ít dòng, sợ thời gian qua đi ký ức nầy cũng mất.

Tháng 4/2024

Đào Dũng Tiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

banh tet ki to
CHỢ CHIỀU KI TÔ VUA
Gọi là chợ chiều Ki Tô Vua vì đây là chợ tự phát không tên đối diện Tu viện Dòng Ki-Tô Vua, ( Nhà Thờ...
Xem tiếp...
IMG_3938-700x525
CHỢ PHÚ PHỤNG
Phú Phụng là xã địa đầu của tỉnh Bến Tre, giáp ranh với Vĩnh Long. Chợ Phú Phụng có địa thế rất tốt nằm...
Xem tiếp...
Jpeg
CÂY ĐA CỔ Ở THỚI LỘC
Jpeg Có một cây da cổ ở quê hương Chợ Lách mà ít người biết. Cây Da nằm ở ấp Thới Lộc, xã Sơn Định, đối...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

Ho Thiet - Copy
HAI TIẾN SĨ NGHIÊN CỨU CÂY ĂN TRÁI ĐẶC SẢN BẾN TRE
 Năm 1998, cây chôm chôm Java nhiều nơi trong tỉnh Bến Tre do thời tiết, khí hậu bất lợi, nhất là nhiệt...
banh tet ki to
CHỢ CHIỀU KI TÔ VUA
Gọi là chợ chiều Ki Tô Vua vì đây là chợ tự phát không tên đối diện Tu viện Dòng Ki-Tô Vua, ( Nhà Thờ...
Tran cong Lai
KHU MỘ ĐÔ ĐỐC TRẦN CÔNG LẠI và TU VIỆN KITO VUA CÁI NHUM
Ấn tượng đầu tiên gây chú ý cho khách phương xa với Nhà Thờ Cái Nhum là hai cây me cổ thụ trước cửa....
nhãn tím
VỀ  GIỐNG NHÃN TÍM Ở CHỢ LÁCH
Bến Tre từ xưa đã có giống nhãn long, nhã giồng trồng rải rác nhiều nơi ở các huyện chủ yếu để ăn trong...
Ô 4 Thành 2
NHỮNG NÔNG DÂN LÀM SẦU RIÊNG CÓ THƯƠNG HIỆU
Theo Báo cáo kết quả đề tài nghiên cứu từ năm 2010 đến năm 2012 “Sự hình thành và phát triển nghề sản...

LỜI DẪN

Tin nhà

Rong kiểng 2
NGHỀ LÀM KIỂNG HÌNH Ở CÁI MƠN
H3
XE ĐÒ VỀ CHỢ LÁCH
Hinh moi
CHỢ LÁCH- KÝ ỨC NGÀY XƯA
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found