Bến Tre từ xưa đã có giống nhãn long, nhã giồng trồng rải rác nhiều nơi ở các huyện chủ yếu để ăn trong gia đình. Trước năm 1975, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành cũng có trồng nhãn nhưng chưa nhiều. Trong chiến tranh thời Mỹ, nhiều người dân xã Quới Sơn tản cư sang cồn Tân Long-Mỹ Tho để sinh sống, một nơi đã trồng nhãn long có kinh nghiệm lâu năm. Năm 1975, khi hòa bình người dân xã Quới Sơn trở về quê trồng nhãn giống như cồn Tân Long-Mỹ Tho, cứ chiết cành, đắp mô, trồng nhãn long đại trà. Thị trường tiêu thụ ngày một phát triển rộng, diện tích, sản lượng ngày càng tăng.
Thập niên 1990-2000, từ đó phát triển trồng nhãn một số xã, huyện, đứng đầu là huyện Châu Thành. Giai đoạn này tỉnh Bến Tre có dự án Cải tạo vườn tạp, nông dân các nơi chú trọng cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng nhãn. Tỉnh Bến Tre lúc này trồng nhãn hơn 8.000 ha, gồm các giống: nhãn long, nhãn tiêu Huế, nhãn tiêu da bò, nhãn tiêu lá bầu, nhãn IDO, nhãn super, nhãn hồng, nhãn Dona, nhãn Hưng Yên, nhãn lồng… Huyện Chợ Lách là nơi chuyên sản xuất giống nhãn để cung cấp các nơi trong tỉnh. Giai đoạn này, thị trường tiêu thụ trái nhãn chủ yếu được lấy cơm nhãn sấy khô, xuất khẩu sang Trung Quốc. Toàn tỉnh có 89 lò sấy nhãn, tập trung chủ yếu huyện Châu Thành, huyện Bình Đại, huyện Chợ Lách.
Thập niên 2010-2020, có giống nhãn LĐ 11 của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam nghiên cứu tuyển chọn; giống nhãn Long Phụng Châu của ông Nguyễn Hiếu Thiện, ấp Thới Lộc, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách; tiếp đến giống nhãn tím; giống nhãn “mới” xuất hiện.
Tuy nhiên, có người cho rằng cây nhãn tím là do ông Nguyễn Văn Phúc, xã Chánh An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đã phát hiện trong vườn nhãn xuồng cơm vàng có cây đột biến cho ra trái nhãn xuồng tím, nghĩa là trái nhãn vỏ màu tím trên cây nhãn xuồng cơm vàng, từ đó cho ra giống nhãn xuồng tím.
Đỗ Văn Công